Tất tần tật kiến thức nền tảng về xoa bóp bấm huyệt bạn cần biết

10/Th5/23 Đào tạo Tin tức 1833

Xoa bóp Bấm huyệt là phương pháp vật lí trị liệu của Y Học Cổ Truyền, được rất nhiều người lựa chọn để điều trị các bệnh lí cũng như phòng chống bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết về tất cả thông tin hữu ích mà bạn không thể bỏ qua ngay dưới bài viết này về xoa bóp bấm huyệt Y Học Cổ Truyền nhé!

1. Sơ lược về lịch sử phương pháp xoa bóp bấm huyệt

Chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe qua về môn xoa bóp cổ truyền. Sau quá trình học hỏi kinh nghiệm và kết tinh những kiến thức từ nước ngoài nhân dân ta đã tổng kết lại thành bộ môn Xoa bóp bấm huyệt của riêng mình.

Theo như các tài liệu để lại thì Tuệ Tĩnh đã tổng kết những kinh nghiệm xoa bóp chữa được một số chứng bệnh (Nam dược thần diệu) với các phương pháp sau: xoa với bột hoạt thạch và bột đậu xanh chữa rôm, xoa với bột cải ngâm rượu chữa đau lưng, xoa với bột gạo tẻ chữa chứng ra nhiều mồ hôi, xoa với rượu ngâm quế chữa bại liệt, đánh gió chữa cảm sốt.

Nam Thần Dược Liệu của lương y Tuệ Tĩnh

Cuốn “Nam Thần Dược Liệu” của lương y Tuệ Tĩnh

Sau Tuệ Tĩnh thì Nguyễn Trực ở thế kỉ XV đã ghi chép lại rất nhiều kinh nghiệm về xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh cho trẻ em trong cuốn “Bảo Anh lương phương” với các thủ thuật: xoa bóp, bấm miến, vận động, kéo, tác động lên kinh lạch, huyệt và các bộ phận nhất định trên cơ thể để chữa các chứng hôn mê, kinh phong, lòi dom, sốt cao, tích trệ, đau bụng, ỉa lỏng, ho hen,…

Tiếp đó, cuốn “Bảo sinh diện thọ toản yến” của Đào Công Chính ở thế kỉ XVII đã tổng kết lại các phương pháp tự lập và trong đó có tự xoa bóp để phòng và chữa bệnh.

Ngay sau đó, Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII) trong cuốn “Vệ sinh yếu quyết” đã nhắc lại những phương pháp của Đào Công Chính.

Vệ Sinh Yếu Quyết của Hải Thượng Lãn Ông

Cuốn “Vệ Sinh Yếu Quyết” của Hải Thượng Lãn Ông

Khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ nền Y học của dân tộc bị kì hãm, xoa bóp bấm huyết bị coi là rẻ mạt. 

Sau cách mạng tháng 8, nhất là sau khi giải phóng miền Bắc (1945), Đảng và chính phủ ta chú trọng trên cơ sở khoa học thừa kế và phát huy những kinh nghiệm của y học cổ truyền của dân tộc để lại. Nhằm tăng cường khả năng chữa bệnh và phòng bệnh cho nhân dân, góp phần xây dựng nền Y học nước nhà phát triển.

Hiện nay, kinh nghiệm của nhân dân về xoa bóp được thừa kế và áp dụng nâng cao, nhiều bệnh viện đã có cơ sở xoa bóp trong đó áp dụng cả kinh nghiệm dân tộc và hiện đại.

2. Định nghĩa và phân loại xoa bóp bấm huyệt

2.1. Xoa bóp

Xoa bóp là gì? Xoa bóp dân tộc là phương pháp phòng và chữa bệnh dưới cơ sở của lí luận y học cổ truyền. Đặc điểm đặc trưng là dùng bàn tay, ngón tay để tác động lên huyệt da thịt, gân khớp của người bệnh. 

Xoa bóp Y Học Cổ Truyền

Xoa bóp Y Học Cổ Truyền

Ưu điểm lớn nhất của xoa bóp bấm huyệt đơn giản, tiết kiệm nhưng có hiẹu quả, phạm vi chữa bệnh rộng và có giá trị phòng bệnh rất lớn. Ngoài ra, còn có khả năng chữa các chứng bệnh mãn tính và nhiều khi đạt kết qua nhanh chóng, đảm bảo an toàn. 

Phân loại xoa bóp: 

  • Xoa bóp phục hồi sức khoẻ 
  • Xoa bóp chữa bệnh 
  • Xoa bóp trong chấn thương và thể dục thể thao 
  • Xoa bóp thẩm mỹ 
  • Một số phương pháp xoa bóp khác: xoa bóp chân, tác động cột sống

2.2. Bấm huyệt

2.2.1. Định nghĩa về bấm  huyệt:

Bấm huyệt, tiếng anh là Acupressure, là liệu pháp sử dụng lực bấm của ngón tay, bàn tay tác động lên vị trí các huyệt đạo với mục đích khai thông tắc nghẽn trong các kinh mạch này. Sự tác động của xoa bóp bấm huyệt phù hợp giúp kích thích cơ thể tự chữa lành và cải thiện chức năng của các cơ quan, đồng thời phòng ngừa và điều trị các bệnh lý hoặc vấn đề đang gặp phải.

Bấm huyệt Y Học Cổ Truyền

Bấm huyệt Y Học Cổ Truyền

Các loại huyệt đạo quan trọng trong cơ thể:

  • Huyệt đạo trên đường kinh (hay còn gọi là kinh huyệt) bao gồm những huyệt đạo: huyệt nguyên, huyệt lạc, huyệt bối du, huyệt mộ, huyệt khích, huyệt ngũ du, huyệt hội, giao huyệt hội.
  • Huyệt đạo nằm ngoài đường kinh (huyệt đạo nằm bên ngoài 12 đường kinh chính)
  • Huyệt ở chỗ đau (A thị huyệt)

2.2.2. Đợt chữa bệnh và thời gian một lần xoa bóp bấm huyệt

– Đợt chữa bệnh:

  • Để tránh hiện tượng nghiện xoa bóp bấm huyệt và phát huy được hết tác dụng. Mỗi đợt chữa bệnh thường kéo dài từ 10 đến 15 lần. 
  • Với chứng bệnh cấp tính mỗi ngày có thể làm một lần.
  • Với chứng bệnh mạn tính thường cách một ngày làm một lần hay một tuần làm hai lần.

– Thời gian một lần xoa bóp: 

Nếu xoa bóp toàn thân thường từ 30 đến 40 phút nếu xoa bóp bộ phận của cơ thể thường từ 10 đến 15 phút.

3. Quy trình Xoa bóp Bấm huyệt

Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thể thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các phản xạ thần kinh đáp ứng từ đó gây nên tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, gây thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ.

 Xao bóp bấm huyệt sẽ tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới ra tạo nên các phản xạ thần kinh đáp ứng vì vậy sẽ có tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn, ứng chế thần kinh trung ương. Làm cho thần kinh được thư giãn, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ.

Dưới dây là quy trình xoa bóp bấm huyệt cơ bản:

3.1. Xoa vuốt

Xoa vuốt là kỹ thuật kích thích nhẹ trên da và tổ chức dưới da nhằm kích thích các mạng lưới dưới mao mạch và thụ cảm thể thần kinh tại chỗ. Có tác dụng giãn mạnh. tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng da. Ngoài ra còn có tác dụng giảm phù nề, làm bong lớp sừng tế bào chết khiến cho da trở nên mịn màng hơn.

Động tác xoa vuốt trong xoa bóp

Động tác xoa vuốt trong xoa bóp

– Kỹ thuật sử dụng: 

  • Xoa: Dùng đầu ngón tay, gốc gan bàn tay hoặc mô ngón tay út, ngón tay cái xoa tròn lên da chỗ đau, tay KTV di chuyển trên da bệnh nhân. Là thủ thuật mềm mại, thường dùng ở bụng hoặc nơi sưng đau. Tác dụng giảm sưng đau tại chỗ. 
  • Vuốt: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, hoặc mô ngón cái vuốt lên da theo hướng thẳng. Tay KTV di chuyển trên da người bệnh, cũng có khi dùng dầu hay bột tan để làm trơn da. Kỹ thuật này có thể áp dụng ở toàn thân. Tác dụng làm mềm gân cơ, giảm đau, giảm sưng nề.

Xem thêm bài viết: “Bật mí công dụng thần thánh của xoa bóp bấm huyệt Y Học Cổ truyền “ ngay tại đây!

3.2. Day miết

Day miết là kỹ thuật tác động sâu hơn đặc biệt đối với gân, cơ, dây chằng, các mạch máu và dây thần kinh. Có tác dụng giãn mạch, tăng lưu thông máu ở sâu, dưỡng tổ chức cơ và thần kinh, chống teo cơ, khi day mạnh sẽ tăng trương lực cơ.

Động tác day miết trong Xoa bóp

Động tác day miết trong Xoa bóp

– Kỹ thuật:

  • Day: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, mô ngón cái hơi dùng sức ấn xuống da người bệnh và di động theo đường tròn. Thường làm chậm, mức độ nặng hay nhẹ, to hay nhỏ tùy tình hình bệnh. Là thủ thuật mềm mại, dùng ở nơi đau và có nhiều cơ. Tác dụng giảm sưng đau. 
  • Miết: Dùng đầu ngón tay cái miết chặt vào da người bệnh rồi miết theo hướng thẳng. Tay KTV di động làm kéo căng da người bệnh. Kỹ thuật hay dùng ở đầu, bụng, chi thể. 
  • Phân và hợp: Như kỹ thuật miết nhưng dùng cả hai đầu ngón tay cái, hoặc mô ngón út hai tay; từ cùng một chỗ miết ra hai bên gọi là phân, từ hai chỗ khác nhau miết về cùng một chỗ gọi là hợp. Kỹ thuật này hay dùng xoa bóp ở đầu mặt.

3.3. Nắn bóp

Nắn bóp là phương pháp tốt để nuôi dưỡng tổ chức cơ nên được coi là một hình thức vận động thụ động với các cơ. Có tác dụng lên các cơ, gân, dây chằng, tổ chức quanh khớp. Ngoài ra còn giúp giãn mạch tại chỗ rõ rệt, tăng dinh dưỡng tổ chức cơ, chống teo cơ, nắn bóp mạnh làm tăng trương lực cơ. Nắn bóp trực tiếp lên gân, dây chằng hay thần kinh được sử dụng nhiều trong chống đau, chống co cứng cơ, kích thích cơ – thần kinh bị liệt… 

Động tác nắn bóp trong Xoa bóp

Động tác nắn bóp trong Xoa bóp

– Kỹ thuật: 

  • Véo: Dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp và kéo da lên, hai tay làm liên tiếp làm cho da người bệnh luôn luôn như bị cuộn giữa các ngón tay KTV. Hay dùng ở lưng và trán. 
  • Bóp: dùng ngón cái và các ngón tay kia bóp vào cơ hoặc gân bị bệnh. Có thể bóp bằng hai, ba, bốn hay năm ngón tay. Có thể vừa bóp vừa hơi kéo lên, không nên dùng lực bóp ở đầu ngón tay sẽ gây đau, mà dùng lực ở đốt thứ 3 ngón tay để bóp. Kỹ thuật này dùng ở cổ, vai, gáy, nách, chi thể. Sức bóp mạnh hay nhẹ tùy trường hợp cụ thể. 

3.4. Đấm chặt

Đấm chặt là hình thức tác động sâu đến xương khớp và toàn thân do truyền lực tùy theo mức độ mạnh nhẹ. Đấm nhẹ và nhịp nhàng sẽ có tác dụng gây ức chế thần kinh trung ương, giảm đau, tạo cảm giác dễ chịu chống mệt mỏi. Còn đấm chặt thường được sử dụng nhiều trong xoa bóp lưng và chi thể. 

Động tác đấm chặt trong xoa bóp bấm huyệt

Động tác đấm chặt trong xoa bóp bấm huyệt

– Kỹ thuật: 

  • Đấm: bàn tay nắm dùng mô ngón út hoặc bàn tay úp đấm vào chỗ đau. 
  • Chặt: bàn tay duỗi, dùng mô ngón út chặt liên tiếp vào chỗ đau. Nếu làm ở đầu thì xòe ngón tay, dùng ngón út để chặt vào đầu người bệnh. 
  • Vỗ: bàn tay hơi khum, giữa lòng bàn tay hơi lõm, vỗ từ nhẹ đến nặng vào chỗ bị bệnh. Khi phát da bị đỏ lên do áp lực không khí trong lòng bàn tay tăng gây lên. Thường dùng ở vai, thắt lưng, tứ chi, bụng, vùng sau phổi để tăng thông khí phổi.

3.5. Rung lắc

Rung lắc là kĩ thuật có tác dụng lan tỏa sâu và rộng, kích thích hoặc phục hồi các phản xạ và dẫn truyền thần kinh. Rung lắc với tần số chậm, nhịp nhàng gây ức chế thần kinh trung ương và giảm đau, giảm trương lực cơ. Rung lắc có ảnh hưởng trực tiếp đến xương và khớp.

Ngày nay, người ta đã sản xuất các loại máy rung lắc oàn thân, cầm tay, các loại ghế, giường xoa bóp và rung lắc rất tiện lợi. 

– Kỹ thuật: người bệnh ngồi thẳng, tay buông thõng, KTV đứng, hai tay cùng nắm cổ tay người bệnh, hơi dùng sức rung từ tay lên vai để tay người bệnh rung như làn sóng. Tác dụng làm mềm cơ, trơn khớp, giảm mỏi mệt.

3.6. Bấm huyệt

Bấm là phương pháp dùng tay tác động lên huyệt đem lại kết quả điều trị rất cao. Cơ chế tác dụng ngoài những tác động lên hệ thần kinh, da… còn được giải thích theo nguyên lý của YHCT.

Động tác bấm huyệt trong xoa bóp

Động tác bấm huyệt trong xoa bóp

– Kỹ thuật: 

  • Bấm huyệt: dùng đầu ngón tay cái, gốc bàn tay, mô ngón tay cái, mô ngón út bấm vào chỗ đau hoặc các vị trí huyệt. Tác động chính là sức qua da vào cơ, xương hoặc vào huyệt. 
  • Điểm huyệt: dùng ngón tay cái, hoặc phần mu khớp đốt 2 và 3 ngón trỏ, ngón giữa, hoặc khuỷu tay, dùng sức ấn thẳng góc vào huyệt. Đây là thủ thuật tác động mạnh và sâu, thường dùng ở mông, lưng, thắt lưng, tứ chi. 

3.7. Vận động khớp

Vận động khớp giúp khớp được bôi trơn và phá vỡ các tổ chức xơ dính từ đó mở rộng tần vận động đối với khớp bị hạn chế vận động.

Vận động khớp nằm trong quy trình Xoa bóp bấm huyệt

Vận động khớp nằm trong quy trình Xoa bóp bấm huyệt

– Kỹ thuật: một tay cố định phía trên khớp cần vận động, một tay vận động khớp theo tầm vận động của khớp. Nếu khớp bị hạn chế vận động thì cần kéo giãn khớp trong khi vận động nhưng phải hết sức chú ý đến phạm vi hoạt động của khớp lúc đó. Tránh làm quá mạnh gây đau đớn cho người bệnh.

Xoa bóp bấm huyệt được xem là phương pháp trị liệu an toàn, đem lại hiệu quả tích cực đối với việc phòng và chống bệnh. Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả tối đa và tránh được nguy hiểm khi bấm huyệt không đúng thì người bệnh cần tìm hiểu kỹ để chọn đúng địa chỉ y tế uy tín với bác sĩ có chuyên môn giỏi.  Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích về phương pháp xoa bóp bấm huyệt y học cổ truyền. Tất cả những định nghĩa và phương pháp xoa bóp – bấm huyệt chi tiết mong rằng sẽ giúp bạn hình dung ra chi tiết về bộ môn này trước khi quyết định bắt đầu học cũng như tìm hiểu để chữa trị.

Ban có thể xem thêm chi tiết về lớp chứng chỉ xoa bóp bấm huyệt ở Hà Nội tại đây!