Không thể bỏ qua những thay đổi về kỳ thi THPT từ 2023 đến 2025
Chắc hẳn có rất nhiều học sinh đang rất quan tâm đến những thay đổi về kỳ thi THPT từ năm 2023 đến 2025 sắp tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, năm nay thời gian tổ chức kỳ thi sẽ sớm hơn, dự kiến rơi vào tuần cuối của tháng 6 thay vì đầu tháng 7 như mọi năm. Từ năm 2025, dự kiến học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT 4 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại Ngữ, Lịch sử. Cùng tìm hiểu cụ thể về những đổi mới ngay trong bài viết dưới đây nhé!
1. Ba điểm mới thay đổi về kỳ thi THPT quan trọng trọng sau năm 2025
Ngày 30-3, PGS.TS Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – chia sẻ về ba điểm mới của phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025.
Phương án hiện tại đang được xin ý kiến rộng rãi, cũng theo ông Huỳnh Văn Chương phương án có 3 quan điểm mới:
- Ngân hàng câu hỏi: Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
- Ứng dụng công nghệ thông tin: đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau năm 2030, sẽ phấn đấu để tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
- Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp: Bộ GD&ĐT nhấn mạnh về định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua việc lựa chọn tổ hợp khối. Điều này sẽ giúp các em hình dung ra được hướng đi, mục tiêu và sở thích của mình.
2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra sớm hơn năm 2022
Bộ GD&ĐT cho biết điểm đặc biệt trong sự thay đổi về kì thi THPT năm 2023 thời gian sẽ được diễn ra sớm hơn, cụ thể là vào tuần cuối cùng của tháng 6. Vì những năm trước do ảnh hưởng của covid, cho nên năm nay khi cuộc sống trở lại bình thường lịch thi sẽ có sự thay đổi.
Kéo theo sự thay đổi đó, lịch thi tuyển của các trường đại học cũng được đẩy lên để kịp thời gian vào tháng 9 nhập học.
Đề thi minh họa THPT QG do Bộ GD&ĐT vừa công bố dự kiến vẫn ổn định như năm 2022, cụ thể cấu trúc đề thi 3 môn: Toán, Anh, Văn như sau:
- Đề thi môn toán: Mỗi đề là 50 câu hỏi, trong đó 45 câu thuộc kiến thức lớp 12 và 5 câu thuộc kiến thức lớp 11. Môn Toán sẽ có 24 mã đề khác nhau và có 4 mã đề chính thức.
- Đề thi môn Ngữ Văn: Cấu trúc 2 phần quen thuộc bao gồm: phần đọc hiểu (3 điểm) các câu hỏi từ đoạn văn mẫu sẽ được phân hóa theo độ khó. Phần làm văn (7 điểm): nghị luận xã hội (có thể một đoạn trích, một vấn đề nổi trội trong xã hội,…), nghị luận văn học (về một tác phẩm văn học, so sánh tác phẩm văn học, cảm nhận về một đoạn trích,…)
- Đề thi môn tiếng Anh: cấu trúc bao gồm 50 câu hỏi thực hiện trong vòng 60 phút. Vẫn là các dạng bài quen thuộc: Ngữ âm; chọn từ để hoàn thành câu; chọn từ để hoàn thành đoạn văn; tình huống giao tiếp; tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa; tìm lỗi sai trong câu; xác định câu đồng nghĩa, kết hợp câu; đọc – hiểu.
3. Dự kiến lịch sử trở thành môn thi THPT bắt buộc năm 2025
Những thay đổi về kỳ thi THPT ông Huỳnh Văn Chương cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến đa chiều trước khi quyết định đưa môn lịch sử là môn thi bắt buộc sau năm 2025.
Hiện Bộ đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong các trường phổ thông. Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến nêu ra cần phải thay đổi về cách ra đề cho môn thi này.
Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với thực tế dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện học sinh lớp 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử.
Căn cứ vào đó, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các môn học tự chọn cũng đang được Bộ GD&ĐT cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp sao cho phù hợp, bảo đảm việc xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng bày tỏ rằng đây mới là phương án đang được đưa ra dự thảo chưa có bất cứ quyết định chính thức nào. Vì vậy, Bộ vẫn đang cùng các chuyên gia, xây dựng, đóng góp ý kiến để trình phương án hợp lí nhất lên Thủ tướng.
Trên đây là toàn bộ những thay đổi về kỳ thi THPT từ năm 2023 đến năm 2025. Những thay đổi này có thể áp dụng sớm trong tương lai hoặc có thể không. Các bạn học sinh cũng như thầy cô có thể tham khảo trước để chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và kế hoạch cũng như định hướng học tập cho riêng mình.